Pháp luật quy định một số nghành nghề nhất định phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp như nghề nghiệp kỹ sư tư vấn, thiết kế trong hoạt động đầu tư xây dựng; nghề nghiệp bảo vệ chuyên nghiệp, nghề nghiệp bác sỹ… Bài viết sau đây cùng bạn tìm hiểu các thông tin cơ bản nhất về loại hình bảo hiểm này.
1. Giới thiệu về Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
Bảo hiểm là một biện pháp hữu hiệu để quản trị rủi ro. Người tham gia chấp nhận chi một khoản tiền nhỏ để chuyển giao những nguy cơ tổn thất lớn hơn nhiều lần sang cho công ty bảo hiểm. Khi đã tham gia bảo hiểm, thì cho dù rủi ro không xảy ra hoặc có xảy ra, thì rủi ro đó sẽ được công ty bảo hiểm xử lý để không làm ảnh hưởng tới tài chính và sự ổn định trong cuộc sống và công việc của người tham gia. Hầu hết các sản phẩm bảo hiểm lưu hành trên thị trường hiện nay là bảo hiểm tự nguyện, tức là người dân có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia tùy thuộc vào nhu cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và sự ổn định trong phát triển của xã hội, Nhà nước cũng có quy định một số loại hình bảo hiểm bắt buộc người dân hoặc tổ chức phải tham gia như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động trong xây dựng (đối với các tổ chức, doanh nghiệp liên quan), hoặc bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô, xe máy…(đối với người dân). Bên cạnh đó, một số lĩnh vực nghành nghề, Nhà nước cũng có yêu cầu bắt buộc các cá nhân, tổ chức hoạt động trong các nghành nghề nhất định phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Trong các lý do dẫn đến việc quy định bắt buộc tham gia phải kể đến, đó là để đảm bảo an toàn, an sinh xã hội trong việc triển khai nghề nghiệp, khi có lỗi bất cẩn trong công việc khiến xảy ra các rủi ro, tổn thất lớn vượt quá khả năng khắc phục tài chính của người hành nghề, khi đó đã có doanh nghiệp bảo hiểm thay mặt họ để đền bù cho những tổn thất đó.
2. Các ngành nghề phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
Một số nghề nghiệp phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của Pháp luật:
2.1. Tổ chức hành nghề luật sư
Khoản 17 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định: “Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”.
Như vậy, tổ chức hành nghề luật sư bắt buộc phải mua bảo hiểm cho luật sư của tổ chức mình thông qua hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp có sự kiện bảo hiểm phát sinh, người được bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bồi thường theo thỏa thuận trong hợp đồng.
2.2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động môi giới bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam theo quy định tại Điều 92 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.
Theo đó, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để tránh các trường hợp như: nhân viên tư vấn sai cho khách hàng lựa chọn sản phẩm bảo hiểm không đủ bảo vệ những rủi ro, tổn thất hoặc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm không đủ khả năng bồi thường,…
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư – công chứng
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiến trúc sư, kỹ sư tư vấn thiết kế
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn thiết kế
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bảo vệ chuyên nghiệp
- Bảo hiểm trách nhiệm sự kiện cho đơn vị tổ chức sự kiện
2.3. Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập 2011, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
2.4. Nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014, nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.
Một số loại bảo hiểm chỉ bảo vệ người mua bảo hiểm khi xảy ra tổn thương về thể chất hoặc tinh thần. Còn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ bảo vệ nhà đầu tư khi xảy ra cả những vấn đề về: thiết kế kỹ thuật, thuyết minh, tổng dự toán công trình, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chi tiết, khảo sát ước tính không đủ lượng bê tông cần thiết, kiến trúc công trình xây dựng không đáp ứng được các yêu cầu chức năng,…
2.5. Công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty theo quy định tại Khoản 7 Điều 71 Luật Chứng khoán 2006.
2.6. Công ty quản lý quỹ
Tương tự công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải mua bảo hiểm về trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên quản lý quỹ tại công ty theo quy định của pháp luật hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư khi có sự cố kỹ thuật và sai sót của nhân viên quản lý quỹ trong quá trình tác nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán 2006.
Nếu không mua loại bảo hiểm này, trong trường hợp xảy ra rủi ro hay xung đột lợi ích, công ty quản lý quỹ có thể không đủ năng lực để bồi thường tổn thất.
2.7. Doanh nghiệp thẩm định giá
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 38/2014/TT-BTC, doanh nghiệp thẩm định giá phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại (nếu có) do doanh nghiệp thẩm định giá gây ra cho người sử dụng kết quả thẩm định giá. Người sử dụng kết quả thẩm định giá là khách hàng thẩm định giá hoặc là bên thứ ba có liên quan do khách hàng thẩm định giá xác định và được doanh nghiệp thẩm định giá thống nhất ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
2.8. Tổ chức hành nghề công chứng
Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Công chứng 2014.
Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên được thực hiện chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng được đăng ký hành nghề.
2.9. Cơ sở và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Theo quy định tại Điều 78 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện, cơ sở giám định y khoa, phòng khám đa khoa…) và người hành nghề (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên, lương y…) phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định chi tiết tại Nghị định 102/2011/NĐ-CP.
Ngoài 09 đối tượng bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nêu trên thì các doanh nghiệp hoặc cơ sở, tổ chức, cá nhân khác nếu có nhu cầu có thể mua loại bảo hiểm này để bảo vệ quyền lợi cho mình trước những nguy cơ rủi ro trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Công chứng 2014;
– Luật Xây dựng 2014;
– Luật Luật sư sửa đổi 2012;
– Luật Kiểm toán độc lập 2011;
– Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009;
– Luật Luật sư 2006;
– Luật Chứng khoán 2006;
– Thông tư 38/2014/TT-BTC;
– Nghị định 102/2011/NĐ-CP.